Đặc biệt, Điều 9 Luật HN&GĐ khẳng định:
Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định thì không có giá trị pháp lý
Có thể thấy, theo quy định hiện nay, để quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các cặp vợ chồng được pháp luật công nhận thì bắt buộc phải thực hiện việc đăng ký kết hôn. Tuy nhiên, khi đăng ký kết hôn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện kết hôn nêu tại Điều 8 Luật HN&GĐ:
– Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên; không bị mất năng lực hành vi dân sự;
– Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
– Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp bị cấm kết hôn: Kết hôn giả tạo; tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; kết hôn với người đang có vợ, có chồng; kết hôn giữa những người cùng dòng máu trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi…
Đặc biệt, dù vợ chồng đã kết hôn nhưng sau đó ly hôn khi muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì cũng phải đăng ký kết hôn.
Như vậy, theo quy định hiện nay, hai người nam nữ phải đăng ký kết hôn thì mới được coi là hôn nhân hợp pháp và sẽ được pháp luật bảo vệ, tôn trọng.
Phải đăng ký kết hôn trước khi tổ chức đám cưới?Phải đăng ký kết hôn trước hay sau khi làm đám cưới? (Ảnh minh họa)
Theo phân tích ở trên, pháp luật không quy định việc tổ chức đám cưới trước hay sau khi đăng ký kết hôn. Việc làm đám cưới chỉ là một thủ tục tốt đẹp của các vùng miền, nhằm chúc phúc và thông báo về việc cưới đến họ hàng, bạn bè, hàng xóm của cô dâu và chú rể.
Tuy nhiên, khi tổ chức đám cưới, các cặp nam nữ cần phải tuân theo quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới tại địa phương của mình và theo quy định tại Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL. Cụ thể:
– Trang trọng, tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa của từng địa phương, dân tộc, tôn giáo và với hoàn cảnh của hai gia đình;
– Thủ tục chạm ngõ, ăn hỏi, rước dâu cần được tổ chức theo phong tục, tập quán; (phù hợp với quy định tại Điều 7 Luật HN&GĐ – khi pháp luật không quy định, các bên không có thỏa thuận thì áp dụng tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc, không trái quy định của pháp luật);
– Trang trí lễ cưới cần giản dị, không rườm rà, phô trương; trang phục cô dâu, chú rể đẹp và lịch sự, phù hợp với văn hoá dân tộc;
– Không nặng về đòi hỏi lễ vật;
– Âm nhạc trong đám cưới phải lành mạnh, vui tươi; âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam; không mở nhạc trước 06 giờ sáng và sau 22 giờ đêm.
Tuy nhiên, đây lại có thể là yêu cầu riêng của một số địa phương. Cụ thể, tại Quyết định 2822/2015/QĐ-UBND của TP. Hải Phòng có nêu:
Lễ cưới chỉ được tổ chức khi đã có đăng ký kết hôn
Do đó, các đám cưới tại Hải Phòng sẽ được tổ chức sau khi đôi nam nữ thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định.
Như vậy, việc yêu cầu đăng ký kết hôn trước khi tổ chức đám cưới không phải quy định bắt buộc của pháp luật mà tùy vào phong tục, tập quán, quy định riêng của từng địa phương.
Để nắm rõ quy trình, thủ tục thực hiện việc đăng ký kết hôn, độc giả tham khảo thêm bài viết dưới đây