Hiện nay, không ít trường hợp nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông/ nghị quyết của Hội đồng thành viên xuất hiện những vi phạm quy định của pháp luật về hình thức, nội dung, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cổ đông/thành viên. Vậy việc thực hiện yêu cầu hủy nghị quyết trên được thực hiện như thế nào? Hãy cùng Công ty Luật Cao Nguyên tham khảo thông tin thông qua nội dung bài viết dưới đây.
Chủ thể có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên
Chủ thể có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
Căn cứ theo quy định tại Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chủ thể có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty.
Chủ thể có quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên
Thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên.
Trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 90% vốn điều lệ và Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại khoản 2 Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020 thì nhóm thành viên còn lại đương nhiên có quyền hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên.
Điều kiện yêu cầu hủy bỏ
Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông
Theo Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020 thì điều kiện để hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Trình tự, thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật này và Điều lệ công ty;
- Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.
Thời hạn: 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông.
Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên
Điểm d, khoản 2, Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định việc yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên xảy ra nếu thuộc trường hợp trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
Thời hạn: 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên.
Thẩm quyền hủy bỏ nghị quyết
Điều 151 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định cơ quan có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ nghị quyết Đại hội đồng cổ đông là Tòa án hoặc Trọng tài thương mại. Đối với nghị quyết của Hội đồng thành viên thì thẩm quyền hủy bỏ nghị quyết thuộc về Tòa án theo điểm d, khoản 2, Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2020.
Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp là một trong những yêu cầu về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
Căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 35; điểm u khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở của doanh nghiệp có thẩm quyền giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên.
Thủ tục yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên tại Tòa án
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
- Đơn yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội cổ đông/ nghị quyết của Hội đồng thành viên;
- Bản sao nghị quyết của Đại hội cổ đông/ nghị quyết của Hội đồng thành viên;
- Tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu hủy bỏ;
- Giấy tờ tùy thân và các giấy tờ có liên quan.
Bước 2: Nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền
Người yêu cầu gửi đơn yêu cầu kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc bằng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
Bước 3: Thụ lý yêu cầu
Tòa án tiến hành nhận hồ sơ nếu hồ sơ hợp lệ thì tiến hành thụ lý yêu cầu, nếu hồ sơ bị thiếu thì yêu cầu người nộp đơn bổ sung hồ sơ hoặc trường hợp trả lại đơn yêu cầu thì Tòa án sẽ nêu rõ lý do trả lại đơn.
Bước 4: Tòa án xét xử sơ thẩm
Tòa án xem xét ra quyết định hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên.
Dịch vụ pháp lý giải quyết yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, nghị quyết của Hội đồng thành viên từ phía Công ty Luật Cao Nguyên
- Tư vấn cụ thể các quy định của pháp luật có liên quan đến yêu cầu;
- Hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện giải quyết yêu cầu;
- Trao đổi và hướng dẫn khách hàng thu thập tài liệu, chứng cứ cần thiết;
- Soạn thảo toàn bộ đơn yêu cầu và chuẩn bị hồ sơ có liên quan;
- Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng trước cơ quan tiến hành tố tụng;
- Thực hiện các công việc có liên quan theo yêu cầu của khách hàng.
Trên đây là những thông tin tư vấn của Công ty Luật Cao Nguyên đối với vấn đề này. Công ty Luật Cao Nguyên tự hào là một trong những đơn vị uy tín trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ này. Trường hợp cần sự hỗ trợ của Luật sư, hãy liên hệ ngay với chúng tôi nhé!
Thông tin liên hệ