Xảy ra tranh chấp lao động trong quá trình làm việc là điều người lao động không ai mong muốn. Tuy nhiên, nếu xảy ra thì bạn cần làm gì để giải quyết tranh chấp lao động? Giải quyết như thế nào là phù hợp với luật pháp và bảo vệ tối đa quyền lợi của bạn? Cùng Luật Cao Nguyên đi sâu tìm hiểu nhé!

Trường hợp như thế nào cần giải quyết tranh chấp lao động? 

Tranh chấp lao động phát sinh từ các xung đột về quyền và lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động. Theo Điều 179 Bộ luật Lao động 2019, tranh chấp lao động có thể phân thành hai loại: Tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể.

Tranh chấp lao động cá nhân 

Là tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động, thường liên quan đến quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng lao động. Các tranh chấp này có thể xuất phát từ việc vi phạm các điều khoản hợp đồng, không tuân thủ các quy định pháp luật về lao động, thay đổi hoặc chấm dứt hợp đồng mà không có lý do chính đáng.

Tranh chấp lao động tập thể

Đây là tranh chấp giữa một nhóm người lao động, thường do tổ chức công đoàn đại diện, và người sử dụng lao động. Loại tranh chấp này gồm hai dạng nhỏ hơn:

  • Tranh chấp về quyền: Tranh chấp này phát sinh do bất đồng trong việc hiểu và thực hiện các điều khoản của thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động hoặc do vi phạm quy định pháp luật lao động.
  • Tranh chấp về lợi ích: Xuất hiện khi người lao động yêu cầu cải thiện các điều kiện lao động, như tăng lương, thời gian làm việc, chế độ phúc lợi và các quyền lợi khác mà người sử dụng lao động từ chối.

Việc phân loại tranh chấp giúp xác định phương thức giải quyết phù hợp và cơ quan có thẩm quyền xử lý.

giải quyết tranh chấp lao động
Lợi ích là nguyên nhân dẫn tới tranh chấp

Xem thêm: Tư vấn chi tiết về Luật lao động từ đội ngũ luật sư nhiều năm kinh nghiệm

Những quy định về giải quyết tranh chấp lao động theo Bộ luật Lao động 2019

Khi xảy ra tranh chấp, người lao động và người sử dụng lao động cần phải lưu ý giải quyết tranh chấp lao động theo đúng quy định của Bộ luật Lao động 2019 gồm các nội dung về nguyên tắc và phương thức giải quyết tranh chấp. 

Theo điều 180, Bộ luật Lao động quy định 5 nguyên tắc giải quyết tranh chấp lao động

  • Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
  • Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải và trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp. Tôn trọng lợi ích chung của xã hội và không trái pháp luật.
  • Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.
  • Bảo đảm sự tham gia của đại diện bên trong xuyên suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.
  • Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi nhận được yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được hai bên tranh chấp đồng ý.
giải quyết tranh chấp lao động
Luật Lao động quy định phải giải quyết tranh chấp lao động công khai, minh bạch

3 cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp lao động

  • Hoà giải viên lao động 
  • Hội đồng trọng tài lao động 
  • Toà án nhân dân
giải quyết tranh chấp lao động
Toà án nhân dân là 1 trong 3 cơ quan giải quyết tranh chấp lao động

4 phương thức giải quyết tranh chấp lao động theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019

  • Thương lượng trực tiếp giữa các bên: Hai bên gồm người sử dụng lao động và người lao động tự thương lượng, giải quyết mâu thuẫn mà không cần sự can thiệp của bên thứ ba.
giải quyết tranh chấp lao động
Thông qua thương lượng để giải quyết mâu thuẫn
  • Hòa giải của hòa giải viên lao động: Ngoại từ một số trường hợp không cần hoà giải theo quy định tại khoản 1 điều 188 Bộ luật Lao động 2019, thì đây là bước bắt buộc trước khi yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án.
  • Trọng tài lao động: Trọng tài viên đóng vai trò là bên thứ ba trung lập và đứng ra phân xử sau khi nghe và tiến hành phân tích thông tin từ hai phía. Phương thức này được lựa chọn do tính linh hoạt cao, đảm bảo trung lập và giải quyết nhanh chóng.
  • Giải quyết tại tòa án: Nếu các phương thức khác không đạt được kết quả, tranh chấp sẽ được giải quyết tại tòa án theo thủ tục tố tụng. Tuy nhiên đây là phương án mang tính phức tạp vì thủ tục tố tụng gồm nhiều cấp cũng như tốn kém rất nhiều chi phí và thời gian của những người tham gia. 
giải quyết tranh chấp lao động
Giải quyết tranh chấp hợp đồng lao động tại Tòa án

Xem thêm: Đơn vị cung cấp đa dịch vụ giải quyết các tranh chấp: quyền thừa kế, tranh chấp đất đai, … uy tín tại Hồ Chí Minh

Khi nào tranh chấp lao động không cần phải thực hiện phương thức hòa giải?

Pháp luật quy định một số trường hợp đặc biệt không bắt buộc phải qua hòa giải bao gồm:

  • Tranh chấp liên quan đến sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
  • Tranh chấp về bồi thường thiệt hại và trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng.
  • Các tranh chấp về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và tai nạn lao động.
  • Tranh chấp giữa người lao động thuê lại và người sử dụng lao động thuê lại.

Những trường hợp này có tính chất khẩn cấp hoặc liên quan đến các quyền lợi cơ bản, nên pháp luật cho phép người lao động có thể trực tiếp yêu cầu tòa án giải quyết.

Những lưu ý để người lao động để bảo vệ quyền lợi của bản thân, tránh xảy ra tranh chấp lao động

Người lao động nên chú ý các điểm sau để bảo vệ quyền lợi của mình và tránh rơi vào các tình huống tranh chấp:

  • Hiểu rõ nội dung hợp đồng lao động

Trước khi ký kết, người lao động nên xem xét kỹ các điều khoản về quyền và nghĩa vụ của mình, bao gồm chi tiết công việc, mức lương, giờ làm việc, nghỉ phép và phúc lợi. Điều này giúp tránh hiểu lầm cũng như các tranh chấp sau này.

giải quyết tranh chấp lao động
Hiểu rõ nội dung hợp đồng lao động để phòng ngừa xảy ra tranh chấp
  • Lưu giữ đầy đủ tài liệu làm việc

Các tài liệu trong thời gian làm việc như hợp đồng, phiếu lương, chứng từ liên quan đến bảo hiểm và các quyết định từ công ty đều sẽ là những bằng chứng quan trọng để bảo vệ quyền lợi khi có tranh chấp.

  • Tham gia công đoàn

Công đoàn là tổ chức bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Việc tham gia công đoàn giúp người lao động nhận được sự hỗ trợ pháp lý và tiếng nói của tập thể khi cần thiết.

giải quyết tranh chấp lao động
Tham gia công đoàn để người lao động được bảo vệ những quyền lợi hợp pháp
  • Nắm vững quyền lợi pháp lý

Người lao động nên hiểu rõ các quyền lợi về bảo hiểm, chế độ khi nghỉ việc, quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng và các quyền lợi khác được pháp luật quy định để có thể tự đảm bảo những quyền lợi cơ bản của mình.

  • Cập nhật và cảnh giác với thay đổi trong quy định nội bộ

Các thay đổi trong nội quy hoặc thỏa ước lao động tập thể có thể tác động đến quyền lợi của người lao động. Do đó, người lao động nên tham gia các cuộc họp công đoàn và thương lượng tập thể.

Kết luận

Giải quyết tranh chấp lao động là một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự hiểu biết và cẩn trọng từ cả người lao động và người sử dụng lao động. Đối với người lao động, việc nắm vững các quy định pháp lý, bảo vệ quyền lợi và tham gia vào các tổ chức bảo vệ quyền lợi là cần thiết để tránh và xử lý tranh chấp một cách hiệu quả. 

Qua bài viết của Luật Cao Nguyên, hy vọng bạn đã có thêm những hiểu biết cần thiết về quy trình và phương thức giải quyết tranh chấp lao động để tự tin bảo vệ quyền lợi của mình trong môi trường làm việc. 

Liên hệ tới Hotline:097 1977 985 để Luật Cao Nguyên bảo vệ quyền lợi chính đáng của bạn.